• Doanh nghiệp

    QUẢNG CÁO

    • Tư Vấn Luật Tư Vấn Luật Tư Vấn Luật
    • Phân biệt Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH một thành viên


      Hiện nay, nền kinh tế thế giới nói chung và của nước ta nói riêng phát triển với một tốc độ chóng mặt. Kéo theo đó là sự hình thành và phát triển của vô số các doanh nghiệp với các loại hình khác nhau. Tuy nhiên, để chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn được những loại hình doanh nghiệp phù hợp với mình, cần phiên biệt rõ các loại hình doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên là hai loại hình doanh nghiệp mà chúng tôi sẽ đưa ra các điểm khác nhau trong bài viết dưới đây.


      1. Khái quát chung về doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH 1 thành viên


      Doanh nghiệp tư nhân được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp, điều 188. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức đơn giản, dễ vận hành nhưng lại chỉ phù hợp cho những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ.


      Công ty TNHH 1 thành viên là doanh nghiệp do một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.


                                   Image result for doanh nghiệp tư nhân


      2. Phân biệt doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH một thành viên

      a. Một số điểm giống nhau giữa Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH một thành viên

      Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH một thành viên có nhiều nét tương đồng với nhau, nhưng cũng có những điểm khác biệt cơ bản. Một số điểm giống nhau cơ bản của Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH một thành viên bao gồm:


      Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH một thành viên đều chỉ có một chủ sở hữu. Chủ sở hữu doanh nghiệp là người bỏ tiền vốn thành lập doanh nghiệp hoặc được chuyển nhượng quyền sở hữu từ chủ thể khác. Chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể là một cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Chủ sở hữu của Công ty TNHH một thành viên có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức.


      Thứ hai, cả doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH một thành viên đều không được phát hành chứng khoán để huy động vốn từ thị trường.


      b. Những điểm khác nhau cơ bản giữa Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH một thành viên


      Doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH một thành viên có khá nhiều điểm khác nhau cơ bản về cả bản chất doanh nghiệp, chế độ chịu trách nhiệm cũng như quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu.


      Thứ nhất, chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên mặc dù giống nhau về số lượng nhưng khác nhau về loại chủ thể. Đối với doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu chỉ có thể là một cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Đối với công ty TNHH 1 thành viên, chủ sở hữu có thể là cá nhân hoặc tổ chức.


      Thứ hai, chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ có những hạn chế mà chủ công ty TNHH một thành viên không có. Theo các quy định của Luật Doanh nghiệp, mỗi một cá nhân chỉ được thành lập duy nhất 1 doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp tư nhân không được phép góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần góp vốn trong công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Còn đối với công ty TNHH một thành viên, pháp luật không hạn chế hay ràng buộc gì đối với chủ sở hữu công ty. Có sự khác biệt này là do tính chất của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân là chịu trách nhiệm vô hạn với những khoản nợ của công ty, do đó không thể để chủ doanh nghiệp tư nhân được thành lập thêm doanh nghiệp tư nhân khác hay làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh, những vị trí mà cũng phải chịu trách nhiệm vô hạn với tàn sản của mình.


      Thứ ba, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân còn công ty TNHH 1 thành viên có tư cách pháp nhân. Pháp nhân là thuật ngữ pháp lý chỉ một thực thể mang tính hội đoàn. Có rất nhiều quan điểm và học thuyết giải thích cho khái niệm pháp nhân như: có thuyết cho pháp nhân là một chủ thể giả tạo, có thuyết cho nó là một chủ thể thực sự...vv. Song theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp nhân là những tổ chức (khác với thể nhân – chỉ con người) có tư cách pháp lý độc lập để tham gia các hoạt động pháp lý khác như kinh tế, xã hội. Một trong các điều kiện để có tư cách pháp nhân là phải có tài sản độc lập đối với các chủ thể khác. Nhưng trong doanh nghiệp tư nhân, tài sản của công ty và của chủ doanh nghiệp không tách rời, do đó doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.


      Thứ tư, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn với các khoản nợ của công ty, còn chủ công ty TNHH 1 thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn. Đây có thể được coi là một trong các điểm khác nhau cơ bản nhất của doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH 1 thành viên. Điểm khác nhau này dẫn đến những điểm khác nhau khác về tư cách pháp nhân, cơ cấu tổ chức, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu.


      Thứ năm, tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp tư nhân không tách biệt nhau. Nhưng tài sản của chủ công ty TNHH một thành viên và công ty lại tách biệt hoàn toàn.

      Thứ sáu, doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH một thành viên còn khác nhau cả về cơ cấu tổ chức của công ty. Theo các quy định của pháp luật, doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ cấu tổ chức quản lý do chủ doanh nghiệp tư nhân tự lựa chọn, có thể tự quản lý hoặc thuê người quản lý. Tuy nhiên, đối với công ty TNHH một thành viên, pháp luật chỉ giới hạn ở 2 mô hình quản lý như sau:


      - Mô hình thứ nhất: Chủ tịch công ty, Giám đốc/ Tổng giám đốc.


      - Mô hình thứ hai: Hội đồng thành viên, Giám đốc/ Tổng giám đốc.


      Bản chất doanh nghiệp tư nhân chỉ phù hợp với những mô hình kinh doanh nhỏ và vừa, do tính chịu trách nhiệm vô hạn của chủ sở hữu. Do đó, mô hình tổ chức quản lý của doanh nghiệp tư nhân không nhất thiết phải tuân theo một mô hình cụ thể nào cả, chủ yếu dựa vào chủ doanh nghiệp tư nhân. Công ty TNHH một thành viên thì chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn, do đó công ty phải được tổ chức theo những cơ quan mà pháp luật quy định, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của những người liên quan.


      Cuối cùng, doanh nghiệp tư nhân khác với công ty TNHH một thành viên ở quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên được quy định tại điều 76 và 77 Luật Doanh nghiệp như sau:


      "Điều 76. Quyền của chủ sở hữu công ty

      1. Chủ sở hữu công ty là tổ chức có quyền sau đây:

      a) Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

      b) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

      c) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, Kiểm soát viên của công ty;

      d) Quyết định dự án đầu tư phát triển;

      đ) Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;

      e) Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;

      g) Thông qua báo cáo tài chính của công ty;

      h) Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu;

      i) Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác;

      k) Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty;

      l) Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;

      m) Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;

      n) Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;

      o) Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

      2. Chủ sở hữu công ty là cá nhân có quyền quy định tại các điểm a, h, l, m, n và o khoản 1 Điều này; quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

      Điều 77. Nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty

      1. Góp đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty.

      2. Tuân thủ Điều lệ công ty.

      3. Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

      4. Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, hợp đồng, giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty.

      5. Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu công ty và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

      6. Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

      7. Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty."


      Quyền và nghĩa vụ của Chủ doanh nghiệp tư nhân lại được quy định khá đơn giản tại điều 190 Luật Doanh nghiệp :

      "Điều 190. Quản lý doanh nghiệp tư nhân

      1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

      2. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

      3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật."



      3. Những ưu nhược điểm của Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH một thành viên


      a. Doanh nghiệp tư nhân

      Ưu điểm của doanh nghiệp tư nhân có thể kể tới như :

      - Doanh nghiệp tư nhân do chỉ có 1 chủ sỡ hữu, nên được hoàn toàn chủ động trong việc quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp;

      - Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân tương đối đơn giản;

      - Chế độ trách nhiệm vô hạn được pháp luật quy định giúp thành lập doanh nghiệp tư nhân ít bị ràng buộc hơn, doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tạo được sự tin tưởng từ đối tác, dễ dàng huy động vốn và hợp tác kinh doanh.

      Nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân theo chúng tôi nhận định chủ yếu bao gồm :

      - Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, Tính rủi ro cao khi chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng toàn bộ tài sản của mình do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn;

      - Chủ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp tư nhân có những hạn chế về việc tham gia thành lập doanh nghiệp khác.

      b. Công ty TNHH một thành viên

      Ưu điểm:

      - Công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân, có tài sản độc lập với chủ công ty nên giảm bớt rủi ro cho chủ doanh nghiệp.

      - Công ty TNHH một thành viên có cơ cấu tổ chức đơn giản, dễ quản lý.

      Nhược điểm:

      - Công ty TNHH một thành viên có khả năng huy động vốn khá hạn chế, do không được phát hành chứng khoán hay huy động thêm thành viên;

      - Do có số vốn cố định nên có thể không được uy tín cao như doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh.

      Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về Phân biệt Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH một thành viên

      HẾT.

      Hy vọng bài viết trên đây của chúng tôi sẽ giúp ích được cho các bạn, mọi thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn xin liên hệ:

      CÔNG TY LUẬT TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN STANDARD

      VPGD:    Phòng B1005 tòa nhà M3 M4, số 91 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội

      Tel:         0248 587 8621

      Email:     contact@standardlaw.vn

      Web:       http://standardlaw.vn

       Xin chân thành cảm ơn!

      http://standardlaw.vn