Sáng 19/3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đây là phiên họp đầu tiên cơ quan thường trực của Quốc hội thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”, theo hướng đại biểu nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá một phút mỗi lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu, thời gian không quá 3 phút mỗi lần (trước đây, thông thường nhiều đại biểu liên tục nêu câu hỏi và bộ trưởng trả lời chung sau đó).
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Giang Huy |
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết qua theo dõi từ đầu khóa đến nay, có nhiều dự án luật quá chậm so với yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số dự án luật từ khi trình cho tới khi họp chỉ 2 ngày và là 2 ngày cuối tuần; tình trạng này khiến cơ quan thẩm tra gặp khó khăn.
Ngoài ra, nhiều dự án Luật có vấn đề về chất lượng, báo cáo hình thức, không ký, không đóng dấu; đánh giá tác động chay, chỉ có nửa trang và không kèm theo số liệu chứng minh...
Bà Nga cũng nêu chất vấn quan điểm của Bộ Tư pháp về việc xử lý đối với hành vi kê khai không trung thực, không giải trình được về tài sản, thu nhập tăng thêm một cách hợp lý được đề cập trong dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Giải đáp nội dung trên, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói, trong các phiên họp thường kỳ, lãnh đạo Chính phủ luôn nêu rõ, các bộ trưởng, trưởng ngành phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về việc trình đúng thời hạn, đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự thảo luật.
Theo ông, Chính phủ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần vấn đề này, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và công khai các đơn vị chậm trễ.
"Xét về nhiệm vụ chính trị, Bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật cũng là căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm", Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.
Về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), theo Bộ trưởng Tư pháp, dự thảo Luật có nội dung khó và còn ý kiến khác nhau. Bộ Tư pháp đã báo cáo thẩm định từ trước, quá trình soạn thảo cũng tham gia ý kiến cụ thể.
"Chính phủ có đề xuất là đối với thu nhập, tài sản nguồn gốc bất minh, không giải trình được phần tăng thêm thì đánh thuế thu nhập cá nhân, mức thuế suất 45%. Đây là quan điểm của Chính phủ, tôi với tư cách thành viên Chính phủ tuân thủ ý kiến này. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận thì chúng tôi có ý kiến bổ sung", ông Long cho hay.
Cụ thể, theo tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, phần thu nhập, tài sản chứng minh được thì không sao, còn nếu không chứng minh được sẽ tịch thu hoặc xử lý hình sự, "như Trung Quốc là tịch thu và hình sự ngay".
"Với Việt Nam, để thực hiện tinh thần trên ngay lập tức thì chưa được, không khả thi, nên quan điểm của Bộ Tư pháp là đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc, phải thực hiện trình tự tố tụng tư pháp dân sự, đưa ra toà xem xét giống như đưa ra toà các trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ", ông Long nói.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay” theo hướng hỏi và trả lời trong vòng một đến ba phút. Ảnh: Giang Huy |
Không chấp nhận lồng ghép tổ chức, bộ máy vào dự thảo Luật
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu tình trạng khiếu kiện kéo dài và băn khoăn về thẩm quyền giải quyết.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc Thanh tra Chính phủ. Với ngành Tư pháp, có hai lĩnh vực số lượng đơn thư nhiều là thi hành án hình sự và bổ trợ tư pháp, liên quan đến luật sư, công chứng, quốc tịch, hộ tịch, cấp phiếu lí lịch tư pháp... Thực tế, có những trường hợp khiếu kiện đã giải quyết hết theo quy trình nhưng một số người dân chưa chịu; văn bản trả lời gửi đi gửi lại, có hiện tượng lòng vòng; nhiều đơn chỉ riêng nơi nhận đã hết cả trang, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho đến địa phương. Khi xem xét các đơn khiếu kiện này, Bộ Tư pháp nhận thấy nhiều đơn đã được xem xét, giải quyết và cho kết luận.
"Tuy nhiên, một số vụ giải quyết chưa rõ ràng, chúng tôi lập danh sách cụ thể từng vụ việc chậm, thực hiện tiếp công dân hàng tháng. Bộ trưởng trực tiếp hoặc phân công người tiếp công dân, tổ chức các tổ làm việc xuống địa phương để theo dõi tiến độ giải quyết khiếu nại tố cáo", ông Long nói.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại) nêu vấn đề, thời gian qua Bộ Chính trị đã có chỉ đạo về tinh giản biên chế, Chính phủ cũng ra quyết định về việc này, trong đó nêu rõ "từ nay trở đi không đưa quy định về tổ chức bộ máy vào các dự án luật chuyên ngành”. Tuy nhiên, thực tế vẫn xuất hiện quy định lồng ghép về tổ chức bộ máy vào quy định pháp luật khiến phình biên chế.
"Với chức năng gác cửa của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng đã chỉ đạo thực hiện nội dung trên như thế nào?", ông Cương đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận có tình trạng đại biểu nêu, một số dự thảo đưa quy định tổ chức bộ máy vào, đơn cử như Pháp lệnh quản lý thị trường. Quan điểm của Bộ Tư pháp rất rõ ràng và đã quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thẩm định văn bản, "gần như cẩm nang để thực hiện, đó là trong dự thảo Luật mà quy định về tổ chức bộ máy thì phải có ý kiến của Chính phủ".
"Trong thời gian 2 năm trở lại đây, việc này được Bộ Tư pháp thực hiện dứt khoát", ông Long nói.
Chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Hoàng Thùy
Theo vnexpress.net