Kéo dài thời gian thí điểm
Theo đánh giá của Bộ Giao thông - Vận tải, kể từ khi triển khai thí điểm, loại hình chở khách có ứng dụng công nghệ như Uber, Grab đã giúp người dân có thêm sự lựa chọn với chất lượng dịch vụ và giá cước tốt hơn, đồng thời buộc các hãng taxi truyền thống phải tự đổi mới.
Từ những lợi ích mà dịch vụ taxi này mang lại, mới đây, Bộ đã đề nghị và được Chính phủ đồng ý cho phép các đơn vị cung cấp phần mềm và doanh nghiệp hợp tác xã vận tải đang tham gia thí điểm tiếp tục kéo dài hoạt động cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mới thay thế cho Nghị định 86/2014 được ban hành và có hiệu lực.
Tuy nhiên, mới đây, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ tham gia góp ý về thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ Công an cho rằng không nên kéo dài thời gian thí điểm vì nhiều bất cập của Uber, Grab chưa được giải quyết. Cụ thể, theo Bộ Công an, các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn đơn giản dẫn đến tình trạng khó kiểm soát được số lượng, chất lượng của xe và lái xe.
Đây là nguyên nhân chính gây ra một số vụ việc phức tạp về trật tự xã hội liên quan đến lái xe của các doanh nghiệp vận tải tham gia thí điểm. Bộ Công an cũng cho rằng, việc phối hợp trong công tác xử lý vi phạm, ngành giao thông vận tải chưa chủ động trao đổi thông tin, dữ liệu liên quan đến số lượng đơn vị vận tải tham gia thí điểm… nên lực lượng công an khó phân biệt, xử phạt xe tham gia thí điểm vi phạm trên đường.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội, cho rằng những lý do Bộ Công an đưa ra chưa thỏa đáng cả về mặt kinh tế cũng như về mặt so sánh sự bình đẳng với các loại hình kinh doanh khác, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang mở ra môi trường đầu tư thuận lợi cho các loại hình kinh doanh mới, vượt trội.
Theo ông, khó quản lý chất lượng và số lượng phương tiện chỉ là một cái cớ, vì taxi truyền thống cũng không bị kiểm soát phương tiện, có bao nhiêu sẽ đăng ký bấy nhiêu. Thậm chí vẫn tồn tại những hãng taxi không có thương hiệu hay taxi tự lái. “Vấn đề đặt ra là cần có những biện pháp để quản lý theo các yêu cầu của họ chứ không nên dừng thí điểm Uber, Grab”, ông Phong nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, dù Hiệp hội luôn bảo vệ taxi truyền thống nhưng không vì thế mà hô hào cấm taxi công nghệ, điều quan trọng là phải bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải này. Ông cũng khuyến cáo các hãng taxi truyền thống nhanh chóng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Định danh cho đúng
Để có phương án quản lý phù hợp cho loại hình taxi công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh, các cơ quan chức năng “phải định danh cho đúng và định dạng cho được”. Phải khẳng định đó là một loại hình vận tải taxi có áp dụng công nghệ và từ đó, một số nội dung của quản lý taxi truyền thống cũng phải được áp đặt vào với taxi công nghệ như nghĩa vụ nộp thuế đối với ngân sách, trách nhiệm an sinh xã hội đối với người lái và đặc biệt là phải bảo đảm không phát sinh vấn đề nóng về gia tăng số lượng phương tiện gây ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, ông Thanh cũng kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải, các cơ quan quản lý cần giảm bớt các rào cản, điều kiện kinh doanh đang gây khó khăn cho taxi truyền thống phát triển.
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng cần phải rà soát và làm chặt chẽ hơn đối với taxi công nghệ. Ông đưa ra một số giải pháp như: (1) Các cơ quan quản lý cần yêu cầu các đơn vị tham gia thí điểm Uber, Grab mua bảo hiểm thân thể cho khách hàng và thực hiện những chính sách liên quan đến quản lý phương tiện vận tải để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng giống như taxi truyền thống; (2) Với tư cách là một phương tiện vận tải, Uber và Grab cũng phải có nghĩa vụ nộp thuế như taxi thông thường nhưng hình thức nộp và việc áp dụng cách tính sẽ do Bộ Tài chính xem xét. Ví dụ như áp dụng hình thức tính trên thuế trên tổng phần trăm doanh thu chứ không phải dựa trên cơ sở có lãi mới thu như một số loại hình kinh doanh khác; (3) Các cơ quan quản lý tổ chức tốt công tác rà soát, kiểm soát hậu kiểm với loại hình này.
Liên quan đến “thế trận” Grab, Uber và taxi truyền thống, các chuyên gia nhấn mạnh, thị trường cần được vận hành theo đúng các quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh của nó. “Các công ty kinh doanh taxi truyền thống lẫn những người kinh doanh nhỏ cần phải chấp nhận luật chơi của thị trường, phải tìm cách ứng phó để tồn tại và phát triển.
Nhà nước cần tránh vì các áp lực mà gia tăng can thiệp hành chính bất hợp lý. Ngược lại, vai trò hợp lý của Nhà nước hiện nay là giải quyết vấn đề thuế, vấn đề cạnh tranh và khuyến cáo để bảo vệ lợi ích người kinh doanh nhỏ lẻ thiếu thông tin”, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia độc lập về hành chính công bình luận.