Nhộn nhịp cổ phần hóa
Năm qua, chỉ một số vụ thoái vốn với nguồn thu lớn như Sabeco thu về 4,8 tỷ USD đã được dư luận quan tâm thì năm nay được coi là năm bản lề của hoạt động thiết chế lại doanh nghiệp nhà nước. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ sẵn để mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước.
Điển hình như Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (thuộc Tập đoàn VinaCapital) đã chi gần 45 triệu USD để mua cổ phiếu của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Trước đó, VinaCapital cùng Dragon Capital đã chi 11 triệu USD để mua 6 triệu cổ phiếu, tương đương với 30% vốn điều lệ của FPT retail.
Trong 2 tháng đầu năm 2018, nhiều nhà đầu tư tham gia phiên IPO (phát hành cổ phiếu hay niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của BSR, PV Power hay PV Oil. Nay, một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Viglacera đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đây là những doanh nghiệp lớn, ở ngành mũi nhọn, đặc thù, như ACV (doanh thu thuần năm 2017 là 13.849 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 4.200 tỷ đồng) hiện đang sở hữu 22 cảng hàng không, dự kiến thoái vốn giảm tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ xuống còn 75,4% trong năm 2018; doanh nghiệp đầu ngành phân phối xăng dầu Petrolimex (mã chứng khoán PLX) cũng sẽ được Bộ Công thương bán tiếp 24,9% vốn điều lệ; doanh nghiệp vật liệu xây dựng Viglacera của Bộ Xây dựng (năm 2017 doanh thu thuần đạt 9.069 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 909 tỷ đồng) cũng dự kiến giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 36% vốn điều lệ và sẽ thoái hết vốn vào năm 2019.
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn có một số bộ ngành, địa phương chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Việc chuyển giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa được thực hiện nghiêm túc.
Quyết liệt thoái vốn
Theo danh sách phê duyệt, có 181 doanh nghiệp nhà nước sẽ IPO, thoái vốn trong năm 2018, chiếm 70% tổng số đơn vị dự kiến thoái vốn trong giai đoạn 2018 - 2020.
Năm 2018 là năm đặc biệt quan trọng trong kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020, với số lượng doanh nghiệp sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn lớn; nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng; việc xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp phức tạp, mất nhiều thời gian. Vì vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải liên tục chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhanh chóng cổ phần hóa, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đối với các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường cần xử lý sớm. Hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn phải được thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính…
Để đảm bảo hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn đúng tiến độ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các cấp xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả nhiệm vụ được giao.