• Tin tức và Sự kiện

    QUẢNG CÁO

    • Tư Vấn Luật Tư Vấn Luật Tư Vấn Luật
    • Cơ hội thay đổi luật chơi chứng khoán (Kỳ 1)

      Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rộng cửa đón nhận ý kiến từ thị trường nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung trước thời điểm trình Quốc hội xem xét lần đầu vào tháng 5/2018. 

      Bảy vấn đề lớn đề cập trong dự Luật liệu đã bao quát và giải quyết được những vướng mắc từ thực tại thị trường hay chưa, đang rất cần các tổ chức, cá nhân quan tâm phản biện, góp ý chính sách, giúp TTCK có luật chơi mới tốt hơn, chuẩn mực hơn. Để rộng đường dư luận, Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu những điểm sửa chính sách dự kiến trong dự Luật.

      Vấn đề 1: Về hàng hóa và giám sát việc thâu tóm không công bằng

      Luật Chứng khoán hiện hành có quy định điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng, nhưng một số điều kiện còn mang tính định tính, chưa rõ ràng. Quy định về công ty đại chúng có quy mô vốn điều lệ 10 tỷ đồng trở lên là tương đối thấp, một số quy định chưa chặt chẽ, sẽ được hoàn thiện trong dự luật mới.

      Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến có những điểm mới sau:

      Thứ nhất, tăng mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp nếu muốn chào bán cổ phiếu lần đầu từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng và doanh nghiệp phải có nhà tư vấn chào bán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, lý do tăng là để thống nhất với việc nâng cao điều kiện về vốn của công ty đại chúng. Hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi (quy định tại Luật hiện hành là 1 năm liền trước).

      Dự Luật có thêm quy định tối thiểu 20% vốn cổ phần của tổ chức phát hành phải được bán cho trên 100 nhà đầu tư ngoài tổ chức phát hành; trường hợp vốn cổ phần của tổ chức phát hành từ 100 tỷ đồng trở lên thì tỷ lệ tối thiểu này là 15% vốn cổ phần.

      Cổ đông sáng lập phải tuân thủ quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần sở hữu theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Thành viên Hội đồng quản trị (hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn) và Giám đốc/Tổng giám đốc phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn cổ phần của tổ chức phát hành và phải nắm giữ mức này tối thiểu 1 năm kể từ ngày kết thúc việc chào bán.

      Doanh nghiệp phải có Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với công ty chứng khoán, ngoại trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán, hoặc trường hợp đợt chào bán có cam kết bảo lãnh phát hành.

      Thứ hai, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng trở lên mới được chào bán bổ sung huy động vốn. Giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành và lần chào bán thêm phải cách tối thiểu 1 năm sau lần chào bán trước.

      ảnh 1

       Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi; có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua; giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành; lần chào bán thêm phải cách tối thiểu 1 năm sau lần chào bán trước.

      Trường hợp đợt chào bán là nhằm mục đích thực hiện dự án, nếu cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư không đạt tối thiểu 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán ra công chúng, đợt chào bán được coi là không thành công. Tổ chức phát hành phải hoàn trả số tiền thu được cho các nhà đầu tư đã đặt mua cổ phiếu này. Tổ chức phát hành phải có cam kết cấp hạn mức tín dụng của ngân hàng để tài trợ bổ sung vốn đầu tư thực hiện dự án trường hợp công ty không bán thành công 100% số lượng cổ phiếu.

      Thứ ba, chào bán chứng khoán riêng lẻ: Việc chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ được quy định bị hạn chế tối thiểu 3 năm, thay vì 1 năm như quy định hiện hành.

      Cùng với đó, dự Luật bổ sung, luật hóa quy định về phát hành cổ phiếu để vốn hóa các khoản nợ của công ty đại chúng theo hướng đây là chào bán riêng lẻ, với điều kiện hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu này tương tự như quy định đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ, trừ một số trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

      Thứ tư, nâng cao hơn điều kiện về vốn của công ty đại chúng lên mức 50 tỷ đồng và quy định công ty đại chúng phải thực hiện đăng ký niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày UBCK xác nhận đăng ký công ty đại chúng.

      Thứ năm, quy định chặt chẽ các trường hợp phải chào mua công khai nhằm ngăn ngừa việc thâu tóm không công bằng. Theo đó, các trường hợp phải chào mua công khai bao gồm:

      (i) Tổ chức, cá nhân và người có liên quan thực hiện chào mua cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ đóng dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang lưu hành của một công ty đại chúng, quỹ đóng;

      (ii) Tổ chức, cá nhân và người có liên quan nắm giữ từ 25% trở lên cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ của một công ty đại chúng, quỹ đóng mua tiếp dẫn đến thay đổi sở hữu từ 10% trở lên cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ đang lưu hành của công ty đại chúng, quỹ đóng trong thời gian dưới 1 năm, kể từ ngày kết thúc việc giao dịch mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ gần nhất sau thời điểm sở hữu từ 25% trở lên;

      (iii) Tổ chức, cá nhân và người có liên quan nắm giữ từ 25% trở lên cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ của một công ty đại chúng, quỹ đóng mua tiếp từ 5% đến dưới 10% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, quỹ đóng trong thời gian dưới 1 năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào mua công khai trước đó.

      Vấn đề 2: Định hình mô hình Sở GDCK Việt Nam

      Luật Chứng khoán hiện hành có quy định về tổ chức giao dịch chứng khoán của các Sở GDCK, nhưng chưa có sự phân định các khu vực thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh. 

      Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến quy định về mô hình tổ chức, hoạt động của Sở GDCK theo hướng Sở GDCK Việt Nam là doanh nghiệp đặc thù, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được thành lập theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của luật này, Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, tổ chức quản lý,chuyển đổi cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của Sở GDCK, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

      ảnh 2
       Luật Chứng khoán sửa đổi quy định về mô hình tổ chức, hoạt động của Sở GDCK theo hướng Sở GDCK Việt Nam là doanh nghiệp đặc thù, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

      Sở GDCK được thành lập chi nhánh và công ty con theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bổ sung nghĩa vụ của Sở trong giám sát giao dịch, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro và xử lý khủng hoảng phát sinh trên TTCK, đồng thời các khu vực thị trường giao dịch chứng khoán được xác định rõ trong Luật, trong đó Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác đủ điều kiện).

      Vấn đề 3: tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

      Chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp được quy định trong Luật Đầu tư, trong đó có vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa được quy định rõ. Vì vậy, trên thực tế, đối với các ngành nghề kinh doanh chưa quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được đầu tư 49%.

      Dự luật mới đặt mục tiêu xác định rõ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng trên TTCK Việt Nam, đồng thời rà soát điều kiện, trình tự thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ.

      Luật Chứng khoán sửa đổi theo hướng: Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng được xác định như sau: (i) Trường hợp cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thì thực hiện theo cam kết quốc tế;

      (ii) Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành;

      (iii) Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nếu có quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định đó;

      (iv) Các ngành, nghề mà pháp luật chuyên ngành chưa quy định, hoặc không quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài;

      (v) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.

      Nên chứng khoán hóa "quyền đòi nợ” và giải quyết triệt để chuyện 51%

      Liên quan đến khung pháp lý về hàng hóa trên TTCK, Câu lạc bộ Luật, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam kiến nghị, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung  cần mở rộng khái niệm "chứng khoán”, đưa "quyền đòi nợ” là một loại chứng khoán được phép đầu tư, từ đó các công ty quản lý quỹ có thể thành lập các quỹ chuyên xử lý nợ xấu, tương tự như ở nước ngoài.

      Về tỷ lệ đầu tư nước ngoài, Hiệp hội cho rằng, Luật Chứng khoán cần giải quyết triệt để vướng mắc của công ty đại chúng khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 51% thì không phải thực hiện thủ tục đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, Hiệp hội kiến nghị Luật Đầu tư khi sửa đổi cần quy định, không áp dụng đối với công ty đại chúng, quỹ đầu tư đại chúng, từ đó cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đến 100% vốn tại các doanh nghiệp này, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. 

      Theo tinnhanhchungkhoan.vn