Theo đơn khởi kiện của bà A. (51 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), bà với ông C. là anh em ruột. Một ngày tháng 4-2017, bà đến nhà ông hàng xóm chơi, có nhờ cháu vợ ông hàng xóm gọi điện thoại đòi tiền bán vịt giùm. Chuyện chỉ có vậy mà ông C. lại đi đồn thổi rằng bà quen người đàn ông khác, rằng bà “có tiền cho trai”.
Bị anh nói “có tiền cho trai”
Cụ thể, theo bà A., sau đó có lần bà hỏi mượn tiền con trai ông C. để trả tiền thuê quán nước. Đứa cháu chưa đưa tiền thì ông C. đã nói chặn đầu rằng bà quen với một người đàn ông lạ ở nhà ông hàng xóm. Tiếp đó, ông C. đi xuống xã khác rêu rao rằng bà “có tiền cho trai”.
Sau khi nghe chị ruột kể lại, bà A. đến hỏi ông C. rằng vì sao vu khống bà như vậy thì bị ông C. bóp cổ, đánh một cái vào cổ. Ít bữa sau, ông C. gặp bà còn đánh bà hai cái vào vai, một cái ở mặt. Bà phải đi trạm y tế xã và phòng khám đa khoa điều trị với chi phí 560.000 đồng.
Theo bà A., bà là gái chưa chồng mà ông C. đi rêu rao như vậy là xúc phạm, làm mất danh dự của bà. Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu TAND huyện Mỏ Cày Bắc buộc ông C. phải bồi thường cho bà 6 triệu đồng tiền danh dự, 9 triệu đồng tiền mất thu nhập do bị đánh dẫn đến không lao động được trong ba tháng, tổng cộng là 15 triệu đồng.
Làm việc với tòa, ông C. trình bày sáu tháng trước, có lần bà A. đưa 20 triệu đồng cho bạn trai, sau đó người này bỏ đi biệt tích, không trả lại tiền. Ông C. nghe đồn bà A. quen nhiều người đàn ông nên ông mới theo dõi vì sợ bà A. bị lợi dụng, đưa tiền cho họ rồi họ một đi không trở lại.
Ông C. cho rằng lần này bà A. cũng định đưa tiền cho người đàn ông khác nhưng không có tiền nên nhiều lần hỏi mượn 15 triệu đồng của con trai ông. Chính vì bà A. có lời lẽ xúc phạm vợ chồng ông nên ông mới đánh bà A. một tát tai để dạy bảo. Sau khi đánh xong, ông thấy bà A. vẫn bình thường, còn tiếp tục mắng chửi ông một chặp rồi đi báo chính quyền địa phương.
Theo ông C., việc bà A. khai ông đi rêu rao bà “có tiền cho trai” là không đúng. Ông chỉ họp mặt gia đình thông báo anh em biết để không cho bà A. mượn tiền nữa, nhắc nhở anh em giữ tiền cẩn thận tránh để bị mất chứ ông không nói với người ngoài nào.
Từ đó, ông C. chỉ đồng ý bồi thường cho bà A… 36.000 đồng tiền thuốc.
Được bồi thường 886.000 đồng
Xử sơ thẩm mới đây, TAND huyện Mỏ Cày Bắc nhận định tại phiên tòa, bà A. cung cấp chứng từ khám bệnh tại trạm y tế xã các ngày 4-6-2017 và 12-6-2017, chứng từ khám bệnh tại phòng khám đa khoa ngày 10-8-2017 với tổng chi phí là 560.000 đồng. Tuy nhiên, trong đơn khởi kiện ngày 8-8-2017, bà lại không yêu cầu bồi thường tiền thuốc, tiền điều trị. Sau đó, bà mới yêu cầu và tòa đã thông báo cho bà giao nộp chứng cứ nhưng bà không cung cấp nên không có căn cứ giải quyết. Mặc dù vậy, do ông C. tự nguyện bồi thường 36.000 đồng tiền thuốc nên tòa ghi nhận.
Đối với yêu cầu bồi thường tiền mất thu nhập, ông C. đề nghị tòa thu thập chứng cứ giúp. Tòa xác minh thì trạm y tế cho biết ngày 30-5-2017, bà A. có đến trạm nói rằng bị đánh. Qua khám thì bà A. không bị thương tích gì nhưng do bà khai bị đánh nên trạm mới đưa toa thuốc một ngày với giá thuốc 35.000 đồng. Ngày 12-6-2017, bà A. đến trạm nói toa thuốc trước (ngày 30-5-2017) bị mất nên hỏi xin toa thuốc khác chứ thực tế bà không điều trị.
Về toa thuốc ngày 4-6-2017 bị cạo sửa, bà A. trình bày do người trong trạm y tế làm. Tòa thông báo cho bà A. giao nộp chứng cứ chứng minh đơn thuốc do người trong trạm cạo sửa nhưng bà không cung cấp được. Cạnh đó, việc bà A. điều trị tại phòng khám đa khoa vào ngày 10-8-2017 là không có chỉ định của bác sĩ. Thời điểm điều trị này cách thời điểm ông C. đánh bà hơn hai tháng.
Vì vậy, theo tòa, việc bà A. yêu cầu bồi thường mất thu nhập là chưa đủ cơ sở để chấp nhận toàn bộ. Tòa chỉ chấp nhận bà mất thu nhập vào ngày bà bị ông C. đánh và ngày đi khám ở trạm y tế. Bà yêu cầu bồi thường mất thu nhập mỗi ngày 100.000 đồng. Như vậy bà mất thu nhập hai ngày là 200.000 đồng.
Về yêu cầu bồi thường danh dự, quá trình giải quyết, ông C. thừa nhận không thấy bà A. cho tiền người đàn ông nào mà chỉ nghe nói lại. Ông C. cũng thừa nhận mình có nói bà A. “có tiền cho trai” cho anh em trong nhà nghe nên có ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bà A.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng có giới hạn bởi bà A. thừa nhận chỉ nghe chị kể lại chứ chưa nghe ai nói. Ông C. là anh ruột bà A., việc ông nói cho anh em nghe như vậy cũng chỉ nhằm mục đích nhắc nhở bà A. cùng anh em trong nhà để ngăn ngừa thiệt hại về tài sản cho bà A. Do đó, tòa chỉ buộc ông C. bồi thường cho bà A. bằng 1/2 mức lương tối thiểu, tương đương 650.000 đồng.
Cuối cùng, tòa tuyên buộc ông C. phải bồi thường cho bà A. tổng cộng 886.000 đồng.
Quy định liên quan Theo Điều 584 BLDS 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác… Theo Điều 592 BLDS 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. |