• Thuế

    QUẢNG CÁO

    • Tư Vấn Luật Tư Vấn Luật Tư Vấn Luật
    • Các loại việc hoặc tranh chấp phổ biến liên quan đến thuế.

       1.Tìm hiểu chung về tranh chấp thuế:

      -  Tranh chấp thuế là tranh chấp hành chính có liên quan đến quyết định thu thuế và quyết định xử phạt đối với người nộp thuế. Cụ thể hơn tranh chấp thuế được hiểu là sự mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật thuế, hay có thể nói tranh chấp thuế là tình trạng pháp lý đặc biệt của quan hệ pháp luật giữa người nộp thuế với người thu thuế, trong đó các bên bày tỏ ra bên ngoài thế giới khách quan những bất đồng, xung đột, mâu thuẫn về ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng hành vi khiếu nại hay khởi kiện theo qui định của pháp luật.

      -  Đặc điểm của tranh chấp thuế:

      + Về chủ thể: Chủ thể của quan hệ pháp luật thuế bao gồm người nộp thuế và người thu thuế. Người thu thuế là các cơ quan quản lý thuế và các cán bộ, công chức ngành thuế, người nộp thuế là các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước. Hai chủ thể này là hai bên trong tranh chấp khi quyền và lợi ích của họ xung đột với nhau.

       Chủ thể thực hiện quyền khiếu nại hay khởi kiện trước quyết định hành chính, hành vi hành chính về thuế trái pháp luật chỉ là đối tượng nộp thuế. Các cơ quan quản lý thuế đại diện cho nhà nước sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình nên họ không được coi là chủ thể có quyền khiếu kiện trong tranh chấp thuế.

      + Về đối tượng của tranh chấp thuế: là các quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế. Mặt khác, đối tượng của tranh chấp thuế còn là những lợi ích liên quan đến số tiền thuế hay số tiền phạt vi phạm về thuế. Số tiền thuế có thể được xác định theo phương pháp kê khai hay ấn định thuế. Khi cơ quan ấn định số tiền thuế nhiều hơn số thuế thực tế phải nộp hoặc số tiền phạt vi phạm không đúng thì có thể sẽ phát sinh tranh chấp nếu người nộp thuế phát hiện ra vi phạm.

      2. Các loại tranh chấp phổ biến về thuế:

       a. Tranh chấp về thủ tục:

      Thủ tục về thuế hiện nay bao gồm các loại: thủ tục đăng ký thuế, cấp mã số thuế, thủ tục mua, in hoá đơn chúng từ, thủ tục về kê khai, quyết toán thuế, thủ tục hoàn thuế, thủ tục miễn giảm thuế…Quá trình thực hiện các thủ tục này không tránh khỏi những sai sót, vì vậy mà rất dễ xảy ra tranh chấp đặc biệt là khi các cán bộ, công chức ngành thuế không tạo điều kiện, gây khó khăn cho người nộp thuế làm cho việc thực hiện các thủ tục về thuế kéo dài, mất thời gian. Hơn nữa, các thủ tục hành chính về thuế hiện nay mặc dù đã có nhiều cải cách những vẫn còn một số hạn chế. Phổ biến trong các loại tranh chấp này là tranh chấp xảy ra khi người nộp thuế đăng ký kê khai thuế, làm hồ sơ xin miễn giảm thuế hay hồ sơ để hoàn thuế.

      b. Tranh chấp về số thu:

       Tranh chấp về số thu có thể hiểu một cách thuần tuý là sự mâu thuẫn, bất đồng xảy ra giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, cán bộ thuế có thẩm quyền về số tiền thuế phải nộp. Tranh chấp này có thể là tranh chấp về ấn định thuế hay tranh chấp về xác định số thuế.

      – Tranh chấp về ấn định thuế: Là tranh chấp phát sinh khi cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định thuế hay cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Tranh chấp xảy ra khi người nộp thuế cho rằng cơ quan có thẩm quyền ấn định thuế đã ấn định số thuế mà họ phải nộp không đúng so với thực tế.

      – Tranh chấp về xác định số thuế: Là tranh chấp xảy ra khi người nộp thuế cho rằng cơ quan thuế, cán bộ thuế xác định sai số thuế mà họ phải nộp trên cơ sở hoá đơn chứng từ, sổ sách kế toán.

        Ngoài ra, căn cứ vào chủ thể có thể phân loại tranh chấp thuế thành tranh chấp giữa cá nhân với cơ quan quản lý thuế và tranh chấp giữa tổ chức với cơ quan quản lý thuế. Các tổ chức này thưòng là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh phải chịu thuế, liên quan đến thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và nhiều loại thuế khác.

      3. Các phương thức giải quyết tranh chấp thuế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết:

      Các phương thức giải quyết tranh chấp thuế

      Cơ quan tổ chức cá nhân có thẩm quyền giải quyết

      1. Khiếu nại về thuế:

      + Chủ thể khiếu nại: Người nộp thuế là tổ chức và cá nhân có quyền khiếu nại trực tiếp hoặc ủy quyền khiếu nại. Thông thường, người nộp thuế có thể ủy quyền cho văn phòng luật sư, đại lý thuế đại diện cho mình để nộp đơn khiếu nại và làm các yêu cầu liên quan đến thủ tục khiếu nại.

      + Nôi dung khiếu nại:

      Khiếu nại về nội dung: là khiếu nại quyết định nộp thuế liên quan đến căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế… được qui định trong các Luật thuế Nội dung quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thu thuế hoặc xử phạt vi phạm pháp luật thuế.

      Khiếu nại về hình thức: Hành vi hành chính của cơ quan có thẩm quyền thu thuế và người có thẩm quyền trong quá trình quyết định thu thuế và xử phạt.

      1.Cơ quan Hải quan:

      + Cơ quan Hải quan có thẩm quyền quản lý thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu và thuế xuất khẩu đối với hàng xuất khẩu. Việc quản lý thu thuế xuất khẩu và nhập khẩu liên quan đến việc tính thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế, truy thu thuế, quyết định phạt.

      + Tổ chức Hải quan bao gồm: (i) Tổng Cục hải quan là cơ quan thuộc Chính phủ; (ii)  Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (iii) Chi cục hải quan cửa khẩu, Đội kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương.

      +Đối với  quyết định phạt, cơ quan và người có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực Hải quan được phân cấp bao gồm: (i) công chức hải quan đang thi hành công vụ; (ii) Đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan; (iii) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Đội trưởng Đội thủ tục Hải quan, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan; (iv) Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; và (v) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

      2.  Cơ quan thuế:

      + Hệ thống cơ quan thuế được tổ chức từ trung ương đến địa phương bao gồm Tổng Cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính, Cục thuế tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các chi cục thuế thuộc quận, huyện. Các cơ quan thuế được giao quyền quản lý thuế đối với các đối tượng nộp thuế. Theo đó, quyết định thu thuế do các Cơ quan thuế ban hành do người đứng đầu ký tên hoặc ủy quyền ký tên. Khiếu nại việc ra quyết định thu thuế đối với Cơ quan thuế có thẩm quyền cũng chính là khiếu nại người có thẩm quyền ra quyết định thu thuế.

      + Quyền xử phạt của cơ quan thuế được tiến hành bởi (i) công chức Thuế đang thi hành công vụ;  Đội trưởng Đội Thuế; Chi cục trưởng Chi cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Điều 44 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

      + Thẩm quyển của cơ quan giải quyết khiếu nại thuế được phân định theo phạm vi quản lý thuế.

       

      2. Khởi kiện về Thuế:

      + Chủ thể thực hiện quyền khởi kiện là những cá nhân, tổ chức cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Họ là người khởi kiện trong vụ án hành chính, trong quá trình tố tụng họ phải đưa ra các chứng cứ chứng minh về sự sai phạm của các chủ thể ra quyết định và hành vi hành chính.

      + Đối tượng của khởi kiện là những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, công chức hay cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, khác với đối tượng trong việc giải quyết khiếu nại hành chính về thuế, quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị xét xử tại toà hành chính là loại quyết định hành chính và hành vi hành chính về thuế đã được giải quyết khiếu nại lần đầu tại cơ quan thuế.

      - Các tòa hành chính:

      Cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án là các toà án, cụ thể là các toà hành chính. Toà án sẽ tiến hành thụ lý giải quyết vụ án hành chính về thuế nếu việc khởi kiện đáp ứng được yêu cầu về tiền tố tụng và thuộc thẩm quyền giải quyết của toà.