Bản tin điện tử
-
Doanh nghiệp
-
-
NHỮNG LƯU Ý KHI ĐẶT TÊN DOANH NGHIỆP!
Thế nào là tên doanh nghiệp?
Tên của bất cứ chủ thể nào cũng đều có mục đích là dùng để “gọi”, phân biệt chủ thể đó với chủ thể khác, và đối với doanh nghiệp, là một tổ chức kinh tế, thì tên của doanh nghiệp còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa. Tên doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là tên gọi, mà đó còn là là hình ảnh, là thương hiệu công ty, giúp đối tác có thể tìm kiếm dễ dàng và chính xác, thúc đẩy công việc kinh doanh phát triển, do đó các bạn cần chú ý khi đặt tên tránh sai phạm, nhầm lẫn và tranh chấp phát sinh về sau.
Theo Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tên doanh nghiệp như sau:
“1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp;
b) Tên riêng.
2. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
3. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
4. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
5. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các điều 38, 39 và 41 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.”
Để các bạn hiểu rõ hơn về nội dung của quy định trên, chúng tôi xin lấy ví dụ như sau:
Doanh nghiệp có tên Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoa Hồng thì:
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoa Hồng là tên tiếng việt của doanh nghiệp, bao gồm hai thành tố:
- Công ty TNHH là tên loại hình doanh nghiệp.
- Thương mại và Dịch vụ Hoa Hồng là tên riêng của doanh nghiệp.
Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp.
Ngoài tên tiếng việt ra thì doanh nghiệp còn có thể có tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt.
Theo Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“1. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
2. Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
3. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.”
Từ quy định trên, chúng ta có thể rút ra những lưu ý sau:
1. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Như vậy tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp không thể là tên được dịch từ tiếng Việt sang những tiếng không thuộc hệ chữ La-tinh như tiếng Trung Quốc, tiếng Thái Lan, tiếng Hàn Quốc, tiếng Iraq,…
2. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Lấy ví dụ như một doanh nghiệp có tên tiếng Việt là Công ty TNHH Hoa Hồng (tên riêng của doanh nghiệp là Hoa Hồng) khi đăng kí tên nước ngoài bằng tiếng Anh có thể giữ nguyên tên riêng là “Hoa Hong” hoặc dịch sang tiếng Anh là “Rose”.
3. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.
Lấy ví dụ với doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoa Hồng, có thể có tên viết tắt là Công ty Hoa Hồng hoặc Công ty HH.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoa Hồng khi dịch sang tiếng Anh có tên là Hoa Hong Trade and Service Company Limited (đối với trường hợp giữ nguyên tên riêng) thì có thể được viết tắt là Hoa Hong Co.Ltd hoặc HH Co.Ltd. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoa Hồng khi dịch sang tiếng Anh có tên là Rose Trade and Service Limited Company (đối với trường hợp dịch tên riêng) thì có thể được viết tắt là Rose Co.Ltd hoặc R Co.Ltd.
Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp.
Về nguyên tắc, chúng ta được phép làm gì mà pháp luật không cấm, và đương nhiên những gì pháp luật cấm thì chúng ta không được làm. Những điều mà pháp luật cấm trong đặt tên doanh nghiệp là những điều chúng ta không được phép làm khi đặt tên doanh nghiệp, cụ thể theo quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020 thì khi đặt tên doanh nghiệp, các bạn không được:
1. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
Lấy ví dụ như các bạn không thể đặt tên doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (trùng tên của một tổ chức chính trị - xã hội)
2. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
3. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật này.
Cụ thể, dựa theo quy định của Điều 41, rút ra những nội dung sau:
a) Tên trùng.
- Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
Lấy ví dụ doanh nghiệp có tên Công ty TNHH Việt Thành đã được đăng ký thì các bạn không thể đặt tên cho doanh nghiệp đề nghị đăng ký của các bạn là Công ty TNHH Việt Thành.
b) Tên gây nhầm lẫn.
Theo quy định trên thì các bạn không được đặt tên gây nhầm lẫn cho tên doanh nghiệp được đề nghị đăng ký, theo khoản 2 Điều 41 luật này thì có những trường hợp tên gây nhầm lẫn sau:
- Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
Lấy ví dụ Công ty TNHH Ca Nô - Công ty TNHH Ka Nô
- Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
Lấy ví dụ nếu Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoa Hòe được viết tắt từ tên tiếng Việt là Công ty HH đã được đăng ký trước thì Công ty Xây dựng và Đầu tư Hắc Hồng được đề nghị đăng kí không được đặt tên viết tắt từ tên tiếng Việt là Công ty HH.
- Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký:
+) Bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
VD: Công ty TNHH Thủ Dầu 1 với Công ty TNHH Thủ Dầu.
+) Bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;
VD: Công ty Cổ phần Nam & Việt với Công ty Cổ phần Nam Việt.
+) Bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
VD: Công ty TNHH Tân Hồng Hà với Công ty TNHH Hồng Hà.
+) Bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”.
VD: Công ty TNHH Hùng Cường miền Nam với Công ty TNHH Hùng Cường.
- Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
VD: Công ty Cổ phần Bắc Việt với Công ty TNHH Bắc Việt.Trên đây là những điều đáng lưu ý nhất về tên doanh nghiệp khi các bạn có nhu thành lập doanh nghiệp, mọi chi tiết xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN STANDARD
VPGD: Phòng B1005 tòa nhà M3 M4, số 91 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
Tel: 0248 587 8621
Email: contact@standardlaw.vn
Web: http://standardlaw.vn
Cảm ơn các bạn đã quan tâm!
http://standardlaw.vn/
-
Doanh nghiệp cũ hơn
Doanh nghiệp mới hơn
Một số lưu ý về vốn điều lệ doanh nghiệp GÓP VỐN THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Cổ đông sáng lập là gì? Điều kiện để trở thành cổ đông sáng lập là gì? Chào bán cổ phần riêng lẻ đối với Công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng Hộ kinh doanh là gì? Một số quy định về Hộ kinh doanh Trình tự, các bước tiến hành họp Hội đồng thành viên Công ty TNHH 2 thành viên trở lên Quy trình pháp lý thay đổi địa chỉ trụ sở chính khác tỉnh đối với công ty cổ phần. Phân biệt Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH một thành viên HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG ĐỐI VỚI CÔNG TY CỔ PHẦN Bầu thành viên Hội đồng quản trị - Sao cho đúng!? Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần! ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP! (Kì 2) ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP! (Kì 1) NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VỐN ĐIỀU LỆ (Kì 2) NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VỐN ĐIỀU LỆ (Kì 1) NGÀNH NGHỀ KINH DOANH - NHỮNG ĐIỀU DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT (Kì 2) NGÀNH NGHỀ KINH DOANH - NHỮNG ĐIỀU DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT (Kì 1) NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý VỀ ĐỊA CHỈ TRỤ SỞ CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP!
-