• Doanh nghiệp

    QUẢNG CÁO

    • Tư Vấn Luật Tư Vấn Luật Tư Vấn Luật
    • Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần!



      1. Khái quát về cổ phần

      Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Người mua cổ phần được gọi là cổ đông.

      Có 2 loại cổ phần là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Cổ phần phổ thông là cổ phần cơ bản và bắt buộc phải có của công ty cổ phần. Cổ phần ưu đãi bao gồm 3 loại là cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi cổ tức. Mỗi loại cổ phần ưu đãi đều có những tác dụng riêng.

      Cổ phần ưu đãi biểu quyết đúng như tên gọi sẽ dành cho người sở hữu nhiều số phiếu biểu quyết hơn các loại cổ phần khác. Theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là trong Luật doanh nghiệp 2020, chỉ có cổ đông sáng lập công ty và những tổ chức được Chính phủ ủy quyền mới có quyền sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết, nhưng cũng chỉ trong thời gian là 3 năm. Kết thúc khoảng thời gian này, cổ phần ưu đãi biểu quyết tự động được chuyển thành cổ phần phổ thông.

      Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức cao hơn các cổ phần khác. Cổ phần ưu đãi cổ tức được trả cổ tức bao gồm cổ tức cố định hàng năm và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định hàng năm không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty mà đã được ghi sẵn trên cổ phiếu khi bán ra. Cổ tức thưởng được tính theo tỷ lệ đối với lợi nhuận của công ty đã đạt được, phương thức tính cổ tức thưởng cũng được ghi rõ trên cổ phiếu.

      Cổ phần ưu đãi hoàn lại là loại cổ phần mà người sở hữu nó sẽ có thể yêu cầu hoàn lại vốn góp bất cứ khi nào hoặc khi đáp ứng các điều kiện được ghi trên cổ phiếu khi bán ra. Tuy nhiên, cổ phần ưu đãi hoàn lại không có giá trị khi biểu quyết các vấn đề của công ty.

      Theo quy định của pháp luật, cổ phần phổ thông không thể được chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi, tuy nhiên cổ phần ưu đãi lại có thể chuyển về cổ phần phổ thông. Việc chuyển đổi này phải được Đại hội đồng cổ đông ra quyết định thông qua.


      Image result for chuyển nhượng cổ phần


      2. Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

      2.1. Điều kiện chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

      Điều kiện của cổ đông chuyển nhượng cổ phần

      Về cơ bản, pháp luật cho phép cổ đông của công ty cổ phần được tự do chuyển nhượng cổ phần bởi đây là bản chất của công ty đối vốn. Tại điểm d, khoản 1 điều 111 Luật Doanh nghiệp đã có quy định: “Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.” Như vậy, vẫn có những trường hợp mà pháp luật giới hạn quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông. Vậy, những trường hợp đó là những trường hợp nào?

      Thứ nhất, trường hợp cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho một người các không phải cổ đông sáng lập công ty. Theo đó, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập của công ty được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho một hoặc nhiều cổ đông sáng lập khác. Nhưng nếu chuyển nhượng cho một người khác mà người đó không phải là cổ đông sáng lập thì phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Cổ đông chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp này sẽ không được biểu quyết trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông về vấn đề này.

      Thứ hai, khi Điều lệ công ty có những quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần. Khi đó, những quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của những cổ phần tương ứng. Thông thường, Điều lệ công ty sẽ quy định vấn đề này khi các cổ đông không muốn cổ phần bị chuyển nhượng một cách bừa bãi, hoặc một cổ đông nắm quá nhiều cổ phần sẽ dẫn đến chi phối và thao túng công ty.

      Đối với cổ phần có thêm sau khi thành lập của cổ đông sáng lập thì cổ phần đó được tự do chuyển nhượng không bị hạn chế về sự đồng ý của các cổ đông sáng lập khác.

      Các cổ đông sáng lập hoặc không phải là cô đông sáng lập có chuyển nhượng cổ phần hoặc nhận chuyển nhượng cổ phần cho nhau thì không phải thông báo với sở kế hoạch đầu tư về việc chuyển nhượng đó, mà các cổ đông chỉ thực hiện việc chuyển nhượng nội bộ lưu tại văn phòng công ty và thay đổi thông tin cổ đông trong sổ cổ đông.

      Điều kiện của bên nhận chuyển nhượng

      Bên nhận chuyển nhượng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty, là người góp vốn vào công ty. Pháp luật Việt Nam có những hạn chế đối với một số chủ thể đặc biệt không được góp vốn vào doanh nghiệp.

      Thứ nhất, đó là Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.

      Thứ hai, các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Theo đó, quy định tại luật phòng chống tham nhũng có đề cập tới, là những cán bộ, công chức, viên chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan sẽ không được góp vốn, mua cổ phần của công ty cổ phần. Các cán bộ, công chức, viên chức khác không bị cấm mua cổ phần.

      2.2. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần

      Trước hết, khi cổ đông của công ty cổ phần chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, họ cần phải ký kết những giấy tờ xác nhận việc chuyển nhượng này, đó có thể là hợp đồng chuyển nhượng, biên bản thanh lý hoặc các loại giấy tờ tương tự khác. Sau khi kết thúc việc chuyển nhượng, cổ đông chuyển nhượng cổ phần phải thông báo cho công ty biết về việc chuyển nhượng cổ phần của mình, để công ty bổ sung thông tin của người nhận chuyển nhượng vào Sổ đăng ký cổ đông của công ty. Đây là quyền và cũng đồng thời là nghĩa vụ của công ty, để đảm bảo quyền và lợi ích của cả hai bên. Thời điểm mà công ty xác nhận thông tin của người được chuyển nhượng cổ phần vào Sổ đăng ký cổ đông và trao cho họ giấy xác nhận sở hữu cổ phần (cổ phiếu) chính là thời điểm kết thúc việc chuyển nhượng cổ phần, xác lập quyền và nghĩa vụ cho cổ đông mới.

      Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần.


      HẾT.

      Hy vọng bài viết trên đây của chúng tôi sẽ giúp ích được cho các bạn, mọi thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn xin liên hệ:

      CÔNG TY LUẬT TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN STANDARD

      VPGD:    Phòng B1005 tòa nhà M3 M4, số 91 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội

      Tel:        0912 383 283

      Email:     contact@standardlaw.vn

      Web:       http://standardlaw.vn

       Xin chân thành cảm ơn!