• Doanh nghiệp

    QUẢNG CÁO

    • Tư Vấn Luật Tư Vấn Luật Tư Vấn Luật
    • NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VỐN ĐIỀU LỆ (Kì 2)


      Kì này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vốn điều lệ của công ty cổ phần, vốn pháp định và những vấn đề liên quan.

      3. Công ty cổ phần.

      Về việc tiến hành góp vốn.

      Theo quy định tại Điều 111, Điều 112 và Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020, “Vốn điều lệ” đối với công ty cổ phần có những nội dung đáng lưu ý sau đây:

      - Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Trong đó:

      +) Cổ phần đã bán là cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty.

      +) Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua.

      - Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Nếu sau thời hạn quy định trên, có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau:

      +) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác.

      +) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.

      +) Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.

      +) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.

      Về việc chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty

      Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. (Theo điểm c khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020)

      Các trường hợp công ty có thể thay đổi vốn điều lệ:

      - Nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp, công ty có thể hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông.

      - Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật Doanh nghiệp 2020 (mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông hoặc mua lại cổ phần theo quyết định của công ty)

      - Trường hợp có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua (như trên).


      Kết quả hình ảnh cho vốn pháp định và vốn điều lệ

      III. Vốn pháp định.

      1. Khái niệm và đặc điểm của vốn pháp định.

       Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định về vốn pháp định. Tuy nhiên có thể hiểu vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp. Tùy theo ngành nghề, lĩnh vực mà mức vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp có thể khác nhau.

      - Đặc điểm của vốn pháp định:

      + Vốn pháp định chỉ áp dụng với một số ngành nghề nhất định (đặc biệt là các ngành nghề có liên quan đến tài chính như chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh vàng, ngân hàng,…

      + Việc yêu cầu vốn pháp định nhằm phòng trừ rủi ro sau khi bắt đầu hoạt động kinh doanh.

      + Giấy xác nhận vốn pháp định được cấp trước khi doanh nghiệp cấp giấy phép thành lập và hoạt động.

      -  Vốn pháp định năm 2022 của ngân hàng, tổ chức tín dụng

      Mức vốn pháp định của ngân hàng và các tổ chức tín dụng được quy định tại Nghị định 86/2019/NĐ-CP như sau:

      + Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng.

      + Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng.

      + Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng.

      + Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD).

      + Công ty tài chính: 500 tỷ đồng.

      + Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng.

      + Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng.

      + Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn (sau đây gọi là xã): 0,5 tỷ đồng.

      + Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.

      - Và một số ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định như: Kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Kinh doanh dịch vụ bảo vệ; Kinh doanh dịch vụ việc làm; Kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Kinh doanh vận tải hàng không; …

      2. So sánh giữa vốn điều lệ và vốn pháp định.

       Điểm giống nhau: Vốn điều lệ và vốn pháp định đều là số vốn ban đầu do các nhà đầu tư bỏ ra để cùng góp vào công ty làm vốn để sản suất, kinh doanh, hoạt động của công ty.

       Dựa vào những nội dung về vốn điều lệ và vốn pháp định như trên, chúng tôi đưa ra những điểm khác nhau cơ bản về vốn điều lệ và vốn pháp định như sau.

       

      Vốn điều lệ

      Vốn pháp định

      Khái niệm

      Là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

      Là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập công ty do pháp luật quy định đối với một số ngành nghề.

      Cơ sở xác định

      Xác định theo loại hình doanh nghiệp

      Không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà được xác định theo ngành nghề kinh doanh cụ thể.

      Mức vốn

      Pháp luật không quy định.

      Pháp luật quy định mức vốn tối thiểu cần phải có.

      Tính chất

      Kể từ lúc thành lập cho đến suốt quá trình hoạt động, vốn điều lệ có thể thay đổi tăng hoặc giảm.

      Vốn pháp định không thay đổi, luôn phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với từng ngành nghề cụ thể.


      Hết.

      Hy vọng bài viết trên đây của chúng tôi sẽ giúp ích được cho các bạn, mọi thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn xin liên hệ:

      CÔNG TY LUẬT TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN STANDARD

      VPGD:    Phòng B1005 tòa nhà M3 M4, số 91 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội

      Tel:         0248 587 8621

      Email:     contact@standardlaw.vn

      Web:       http://standardlaw.vn

       Xin chân thành cảm ơn!

      Chí Hiếu - http://standardlaw.vn/